Đi cắm trại 3 ngày, chàng trai kẹt ở Tà Xùa gần 3 tuần

Được tạo lúc 11/08/2021 04:11 Facebook Google + LinkedIn Twitter

Tà Xùa Covid-19 Sự kiện

Không thể trở về Hà Nội vì Covid-19, Hoàng Công cắm trại ở độ cao 2.000 m, hàng ngày nấu ăn, đọc sách, tắm suối, tối ngắm sao trời.

Ngày 15/7, Hoàng Công mang theo ba lô hành lý, lên xe máy tiến về xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La. Anh không đếm nổi đây là lần thứ mấy mình đến đây. Mục đích của chuyến đi lần này cũng giống như những lần trước, để "trốn" khỏi áp lực công việc nơi phố thị. Anh chọn Tà Xùa vì ít người, đảm bảo an toàn cho bản thân và người địa phương. Trước khi đi, anh cũng xét nghiệm SARS-CoV-2 và có kết quả âm tính.

Đi cắm trại 3 ngày, chàng trai kẹt ở Tà Xùa gần 3 tuần
Một mình giữa núi rừng.

Ban đầu, Công dự định ở đây 3-4 ngày, tuy nhiên chuyến đi kéo dài cho đến nay vì từ 24/7, Hà Nội giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Bất ngờ và buồn lúc biết tin, song thay vì suy nghĩ nhiều, anh chọn cách ở lại để tận hưởng phong cảnh, khí hậu, cũng dành thời gian để nhìn nhận một năm qua của bản thân.

Đồ đạc anh mang theo có đủ một lều sức chứa 4 người, một tấm bạt cắm trại, túi ngủ, bộ bàn ghế dã ngoại, nồi, dao dĩa, võng, đèn chiếu sáng và không thể thiếu sạc 120.000 mAH, có thể sạc điện và dùng đèn trong khoảng 20 ngày. Dù vậy quần áo chỉ có 3 bộ và một khăn tắm.

Địa điểm cắm trại của anh không cố định mà di chuyển tới những nơi có cảnh đẹp, thuận tiện mua đồ sinh hoạt. Thường một nơi anh sẽ ở 2-3 ngày. Ở đây, anh thấy một ngày trôi qua nhẹ nhàng và bình yên hơn, trái ngược với vẻ bận rộn của Hà Nội. 6h sáng thức dậy, sau khi vệ sinh cá nhân, Công ăn sáng, hôm thì trứng, hôm thì bánh bột mỳ, rồi uống trà và đọc sách. Đắm chìm trong không khí trong lành, đến hơn 10h anh bắt đầu bữa trưa. Bữa tối đơn giản hơn với 2 củ khoai tây và ít đồ nướng nhẹ, một cốc trà nóng để ngắm sao trời và ngủ từ 22h.

Đi cắm trại 3 ngày, chàng trai kẹt ở Tà Xùa gần 3 tuần
Đi cắm trại 3 ngày, chàng trai kẹt ở Tà Xùa gần 3 tuần
Đi cắm trại 3 ngày, chàng trai kẹt ở Tà Xùa gần 3 tuần
Đi cắm trại 3 ngày, chàng trai kẹt ở Tà Xùa gần 3 tuần

Công cho biết, ở đây có những mó nước công cộng dẫn từ đầu nguồn về rất sạch và mát, nên anh có thể tích trong chai để dùng dần. Đồ ăn có thể mua ở các cửa hàng tạp hóa, anh cũng chọn những đồ để lâu để hạn chế tiếp xúc nhiều người. Thường Công sẽ ra suối tắm hoặc những ngày lạnh hơn sẽ nhờ nhà dân. Có những ngày mưa lớn, đặc biệt như tối 10/8 nhưng anh vẫn an toàn khi ở trong lều, thậm chí còn mong chờ vì mưa xong sẽ xuất hiện biển mây.

Anh cho biết ở Hà Nội đã "hưởng thụ" với điều kiện sinh hoạt đầy đủ, vì vậy việc ở gần thiên nhiên thế này khiến anh thấy rất vui. Ở đây đêm về khá lạnh nhưng anh vẫn đủ ấm vì có túi ngủ. Tới nay đã gần 20 ngày ở Tà Xùa, chi phí sinh hoạt của anh chỉ hơn 2 triệu, tiết kiệm hơn nhiều so với ở thành phố.

Đi cắm trại 3 ngày, chàng trai kẹt ở Tà Xùa gần 3 tuần
Điểm uống trà nhìn ra những thung lũng.

Công chia sẻ, thi thoảng anh cũng thấy nhớ nhà nhưng không quá buồn vì phần lớn thời gian dành để đọc sách, ngắm cảnh, nghe nhạc. Tới nay, anh đã tăng gần 4 kg, theo lời anh có lẽ nhờ không khí trong lành, lịch sinh hoạt điều độ và quan trọng nhất là tinh thần thoải mái. Sau khi Hà Nội thông báo tiếp tục giãn cách tới 23/8, anh vẫn sẽ ở lại Tà Xùa, vì cho rằng đây là một điều may mắn hơn nhiều người và cũng là cơ hội hiếm để tạm nghỉ ngơi.

Trước đó từ năm 2016, Hoàng Công đã có nhiều chuyến đi phượt bằng xe máy và cắm trại. Phần lớn người đồng hành là những sinh viên cùng độ tuổi, với mong muốn rong ruổi khắp vùng núi phía bắc, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực và cảnh đẹp. Qua đó, anh từng được đón mùa hoa đào, hoa mận nở giữa núi rừng, ăn Tết cùng người bản, theo anh đó là điều mà du lịch nghỉ dưỡng ít mang lại.

Lan Hương. Ảnh: NVCC (Theo vnexpress)

Đánh giá của khách hàng

Người vô danh
Vui lòng nhập cảm nghĩ của bạn
Chưa có đánh giá.