Theo chân nữ nhiếp ảnh gia Ngọc Diễm cùng chiêm ngưỡng những khoảnh khắc đẹp trong nhịp sống lao động tại các làng nghề truyền thống.
Bộ ảnh do nhiếp ảnh gia Cao Thị Ngọc Diễm (TP HCM) thực hiện. Chị thường rong ruổi đi khắp vùng miền để chụp ảnh lưu giữ những khoảnh khắc muôn màu của cuộc sống, đặc biệt là các làng nghề, bởi nó lột tả được giá trị nhân văn và văn hóa người Việt.
Trong ảnh là nghề nướng cá ở huyện ven biển Quỳnh Lưu, Nghệ An. Huyện này có khoảng 50 hộ làm nghề nướng cá. Cá thu, bạc má, trích tươi vừa về bờ được người dân thu mua, làm sạch và sắp cá theo hàng trên các vỉ trước khi nướng lò than. Mỗi mẻ cá được nướng trong 10 - 15 phút. Mỗi ngày nướng 1 - 3 tạ cá, đem tới thu nhập gần 200.000 đồng một người.
Nghề làm đường phèn, đặc sản nổi tiếng tại xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi. Đây loại đường được kết tinh, tựa như những thỏi thạch anh.
Trong ảnh là công đoạn chuẩn bị những rọ đan chỉ đặt vào vại, nơi nước đường bám vào các sợi chỉ để kết tủa. Sau khi đường đã kết khối hoàn toàn, người thợ đổ đường ra nong, đập rời từng tảng rồi phơi khô, lựa những cục phèn kết tinh đóng bao đem tiêu thụ.
Làng nghề nón ngựa Phú Gia có tuổi đời trên 300 năm, tọa lạc tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định. Toàn xã có khoảng 320 hộ với trên 700 lao động làm nón, sản xuất chủ yếu theo các đơn đặt hàng.
Nón ngựa từng là phụ kiện không thể thiếu của các quan binh triều đình. Làm nón ngựa trải qua nhiều công đoạn công phu, từ tạo sườn mê, thắt nan sườn cho tới thêu hoa văn và chằm nón. Các nghệ nhân thêu hoa văn theo các đề tài long, lân, quy, phụng, lưỡng long tranh châu, mai, lan, cúc, trúc, thơ, câu đối, phong cảnh...
Cảnh đẹp yên bình trên cánh đồng chăn vịt ở khu vực đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Nuôi vịt chạy đồng, lấy trứng là nghề phổ biến ở nhiều vùng miền quê nước ta, giúp nhiều hộ tiết kiệm đáng kể chi phí mua thức ăn, từ đó tăng thêm lợi nhuận.
Ngoài thắng cảnh nổi tiếng, du khách có thể về vùng quê trải nghiệm, chụp ảnh làng nghề làm bún và bánh An Thái thuộc thị xã An Nhơn, Bình Định.
Các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ, mỗi cơ sở, mỗi hộ đều có cách làm riêng. Thông thường, bún hoặc bánh sẽ khô sau 4 - 5 tiếng nếu nắng đẹp. Gần tết không khí làm việc ở đây cũng trở nên nhộn nhịp hơn để kịp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngoài ra ở phố biển Quy Nhơn còn có làng nghề hấp cá có từ cách đây hơn nửa thế kỷ tại chợ cá nằm ven bến Hàm Tử. Thuyền chở cá tươi về được các lò hấp thu mua, với các loại như cá mực, nục, cơm, sọc dưa hay cá ngừ.
Cá biển sau khi làm sạch, sơ chế, được đưa lần lượt vào lò hấp nước sôi trên bếp. Nước hấp được pha theo công thức riêng để đảm bảo vị đậm đà của cá biển. Thời gian hấp của mỗi loại cũng được căn hợp lý để khi cá chín tới đảm bảo thịt dai và giữ nguyên vị ngon.
Ngoài nghề làm muối, Ninh Thuận nổi tiếng làng nghề cá cơm ở Mỹ Tân, Ninh Hải. Làng cá cơm này nằm trên trục đường đi vịnh Vĩnh Hy - Bình Tiên, cách TP Phan Rang Tháp Chàm khoảng 20 km về hướng đông. Dọc hai bên đường, du khách nhìn thấy những vỉ cá được phơi thành hàng, đặc trưng miền biển nơi đây.
Mùa cá cơm từ tháng 4 - 8 hàng năm, cá sau khi đánh bắt được ngâm nước muối xả nhớt, nhúng vào lò hấp chừng 5 phút mới đem ra phơi. Sau 4 - 5 giờ phơi nắng, các vỉ cá cơm được nhặt và loại bỏ cá tạp trước khi cân và đóng thùng, xuất bán cho khách hàng.
Đến Ninh Thuận, du khách có thể trải nghiệm nghề làm muối ở Ninh Hải, tham quan các ruộng muối, tìm hiểu quy trình sản xuất, thu hoạch, hòa mình vào cuộc sống của diêm dân.
Người dân phải làm các công đoạn như san bằng ruộng, xây bờ, làm hệ thống dẫn nước biển vào ruộng muối. Bình thường, sau khi vào nước, gặp nắng gắt thì khoảng 7 ngày đã có thể cào muối và thu hoạch.
TP Phan Thiết, Bình Thuận có các khu vực tập trung làm nước mắm lâu đời là Thanh Hải, Phú Hài, Đức Thắng và Hàm Tiến, nhờ có nguyên liệu dồi dào, lợi thế về muối khoáng và bí quyết truyền thống. Nguyên liệu chính làm mắm là cá cơm, ngon nhất là cá cơm than và sọc tiêu.
Ngoài cách ủ nước mắm trong thùng lều thì nước mắm Phan Thiết còn ủ bằng lu. Muối Phan Thiết với nồng độ mặn cao, tinh khiết giúp ủ cá không bị thối và cho ra những sản phẩm thơm ngon, sánh đậm.
Bức tranh nhộn nhịp trên cánh đồng cỏ bàng vào mùa gặt tại huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Thay vì mọc hoang dại, cỏ bàng được nông dân trồng rộng rãi, thay cho lúa nước truyền thống tại Vũng Liêm.
Cỏ bàng còn được gọi là bàng hoặc cói bàng, dễ trồng, chịu phèn, ít tốn công chăm sóc và sâu bệnh. Cỏ trồng gần nửa năm đến khi cao quá đầu người lớn thì thu hoạch. Cỏ cắt xong cứ để gốc đó sẽ lại mọc nhiều lần và không cần trồng mới. Một ngày dân cắt được khoảng 300 bó. Loại cỏ này được người miền Tây sáng tạo làm thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ như đệm, nón, giỏ xách...
Làng gạch Mang Thít, Vĩnh Long nhìn trên cao như những ngọn tháp thu nhỏ. Làng có tuổi đời trên 100 năm là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng, lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây còn khoảng 1.300 lò gạch, trải dài trên diện tích 3.000 ha, trong đó tập trung nhiều nhất ở ven con rạch Thầy Cai đến đoạn giáp sông Cổ Chiên, một nhánh sông Cửu Long.
Trong ảnh là bức tranh thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng Cờ Đỏ, huyện vùng ven phía tây TP Cần Thơ. Vùng Cờ Đỏ có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp. Máy gặt đập liên hợp giúp nông dân tiết kiệm thời gian và chi phí.
“Phát triển và giữ gìn các làng nghề cũng là ưu thế khi mở rộng giao lưu kinh tế trên thị trường trong và ngoài nước, mở rộng quan hệ văn hóa với các nước, đa dạng sản phẩm du lịch, tạo nên nhiều lựa chọn hấp dẫn cho du khách. Nhiếp ảnh với tôi không chỉ là trải nghiệm mà còn là sự kết nối yêu thương với con người, bạn bè có cùng đam mê tại những vùng đất đã đi qua”, nữ nhiếp ảnh gia Ngọc Diễm chia sẻ.
Huỳnh Phương (Theo vnexpress)