Vì sao núi Phú Sĩ là biểu tượng nước Nhật
Được tạo lúc 10/07/2020 03:27 Chia sẽ
Người Nhật tin rằng núi Phú Sĩ là nơi ở của các vị thần, họ tôn thờ và hàng năm leo núi như một hình thức hành hương.
Núi Phú Sĩ ngày nay là kết quả sau hàng thiên niên kỷ phun trào. Nhìn từ xa sẽ không thấy rõ "sức mạnh" của nó nhưng khi tới gần miệng núi lửa này thực ra là một biển tro bụi nóng bỏng. Với độ cao hơn 3.776 m, núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản, hình nón biểu tượng của núi là do 3 lần phun trào lớn tạo nên. Từ xa xưa, núi Phú Sĩ được coi là quê hương của các vị thần còn ngày nay nó tồn tại như biểu tượng của nước Nhật.
Cựu Thủ tướng Nhật Yasuhiro Nakasone từng nói: "Đỉnh Phú Sĩ không đơn thuần là vật thể tự nhiên mà là nguồn tiếp tinh thần và can đảm tiếp cho tất cả người dân xuyên suốt lịch sử nước Nhật". Từ lâu ngọn núi đã được các nhà thơ, nghệ sĩ tôn sùng là tiêu chuẩn của sự hoàn hảo, là nơi ở của thần linh. Ngoài ra hình ảnh của núi Phú Sĩ được sử dụng trong các tác phẩm tuyên truyền và xuất hiện nhiều đến mức sáo rỗng.
Người Nhật không chỉ thờ phụng mà còn sợ hãi và kính trọng đỉnh núi cao nhất nước này. Tương truyền núi Phú Sĩ là nhà của kami - những linh hồn có sức mạnh điều khiển các yếu tố như nước và lửa. Những nghi lễ thờ cúng đầu tiên thực hiện quanh núi đều nhằm làm dịu các linh hồn lửa hủy diệt để ngăn chặn thảm họa tự nhiên.
Trước thế kỷ 6, người Nhật đã thờ núi Phú Sĩ từ xa bởi chính ngọn núi cũng được xem là nơi quá thiêng liêng đối với người phàm trần. Ngọn núi được coi là nơi lý tưởng để thiền định, tìm kiếm sự cô độc, thực hành khổ hạnh. Theo thời gian nhiều nghi lễ tôn thờ chuyển dần qua tu luyện bản thân và leo núi cũng thành một hình thức thờ cúng.
Theo một ghi chép từ thế kỷ 12, những người bước đi trên không gian của ngọn núi lửa đều phải nghĩ từng giọt nước, ngọn cỏ ở đây đều là vị thuốc bất tử dù cho họ có đau đớn cỡ nào. Vì thế mà leo núi làm người xưa tin rằng họ sẽ có thêm sức mạnh tâm linh. Những người leo núi Phú Sĩ về được người đời tôn thờ, chào hỏi kính cẩn, cúng dường và thậm chí còn cố gắng chạm vào để lấy may. Tới thế kỷ 16, người theo giáo phái Fujikō tin rằng Phú Sĩ là một sinh vật có linh hồn, sinh ra từ sự hợp nhất của Đất và Trời, của âm và dương, họ cũng cổ vũ mạnh mẽ các chuyến hành hương leo núi.
Tuy được tôn sùng như một tôn giáo nhưng vào thời Minh Trị (1868 - 1912) sau các nỗ lực thống nhất nước Nhật theo Thần Đạo, nhiều đền thờ, chùa chiền ở quanh núi Phú Sĩ đã bị cướp và mất giá trị lịch sử. Đến năm 1945, sau Thế chiến thứ 2, tự do tôn giáo ở Nhật mới được thiết lập và các tín đồ giáo phái cũ như Fujikō vẫn còn nhưng họ không thể lấy lại sức ảnh hưởng lớn như trước đây.
Từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm thường có khoảng 400.000 người đến Phú Sĩ, họ vừa thở hổn hển, mệt nhọc vừa leo núi trong bóng tối trước khi bình minh xuất hiện. Mặt đất biến mất dưới những đám mây dày và sự im lặng tôn kính phủ khắp các sườn núi khi mặt trời bắt đầu phủ ánh vàng mờ lên đỉnh Phú Sĩ. Trong tiếng Nhật có riêng một từ để nói cảnh mặt trời mọc từ núi Phú Sĩ là goraiko.
Ngày nay, người leo núi Phú Sĩ vì mục đích giải trí nhiều hơn cả người đến đây hành hương nhưng nơi này vẫn luôn giữ được vẻ linh thiêng. "Những cuộc hành hương leo núi này có câu chuyện lịch sử riêng và vẫn chiếm chỗ quan trọng trong xã hội Nhật. Vào ngày trời quang mây, từ đỉnh núi bạn có nhìn thấy Tokyo nữa", nhiếp ảnh gia David Guttenfelder, người leo Phú Sĩ vào năm 2018 chia sẻ.
Thông thường du khách sẽ bắt đầu giữa buổi sáng ngày thứ nhất và leo khoảng 6 - 8 tiến cho tới khu nhà nghỉ vào lúc hoàng hôn. Ở đó họ có thể ngủ quay lưng với những người hoàn toàn xa lạ rồi cùng đánh thức nhau dậy vào 1 giờ sáng để tiếp lục leo núi và tới đỉnh vừa khi bình minh đẹp nhất. Guttenfelder kể lại lần đầu anh leo Phú Sĩ là năm 2013. Hàng nghìn người ngồi cạnh nhau, cùng giơ tay và hô đồng thanh để chào ánh mặt trời đầu tiên. "Tiếng hô vang từ đỉnh núi, ai cũng tràn đầy cảm xúc và tôi cũng vậy".
Núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2013. Lần cuối núi Phú Sĩ phun trào là năm 1707 nhưng các nhà địa chất cho rằng núi vẫn có thể hoạt động lại nên chính phủ Nhật tiếp tục thảo các kế hoạch phòng tránh thảm họa.
Mùa đẹp và thuận lợi nhất để leo núi Phú Sĩ là đầu tháng 7 đến đầu tháng 9. Trong đó dịp đông nhất là tháng 8 và đặc biệt cuối tuần. Nếu muốn có nhiều thời gian leo núi hãy đi vào giữa tuần.
Một chuyến leo Phú Sĩ tốn khoảng 2 ngày 1 đêm. Du khách có thể chọn một trong 4 tuyến leo Yoshida, Fujinomiya, Gotemba và Subashiri, tùy theo điều kiện sức khỏe và nơi xuất phát. Giá tour leo núi Phú Sĩ từ 40.000 - 45.000 yen (8 - 10 triệu đồng).
Khánh Trần (Theo Natgeo, vnExpress)