Những truyền thuyết cổ xưa khiến người Chambri duy trì tập tục rạch da kinh dị để trở lại với hình hài của tổ tiên.
Sâu bên trong những khu rừng ở Papua New Guinea, một bộ tộc kỳ lạ vẫn sinh sống đến tận ngày nay. Họ có một nghi thức biến những bé trai thành cá sấu. Dĩ nhiên, đây chỉ là một cách nói ẩn dụ về biểu tượng cá sấu của những người dân thuộc tộc Chambri.
Người Chambri tin tổ tiên họ xuất thân từ cá sấu. Đây là loài vật tâm linh mang tính biểu tượng của Papua New Guinea. Các câu chuyện thần thoại của người Chambri kể loài cá sấu đã di cư từ sông Sepik vào đất liền và tiến hóa như ngày nay.
Đến tuổi trưởng thành, những cậu bé tộc Chambri sẽ thực hiện nghi lễ tìm về với tổ tiên. Đầu tiên, cậu bé sẽ cùng người họ hàng bước vào một nơi gọi là "nhà linh hồn". Tại đây, cậu bé sẽ bị các thủ lĩnh bộ tộc dùng thanh tre sắc nhọn khắc hàng trăm vết dài khoảng 2 cm trên lưng, bả vai và trước ngực. Họ dùng lửa, đất sét và dầu cây để khiến vết rạch có kích thước to hơn.
Khi thực hiện nghi lễ, cậu bé không được thể hiện sự đau đớn. Tộc này tin việc chịu được nỗi đau lớn từ lúc nhỏ sẽ giúp những đứa trẻ trở thành người đàn ông rắn rỏi sau này. Họ bắt đầu thực hiện nghi lễ từ khi các cậu bé lên 11 tuổi. Việc khắc hoàn thiện làn da cá sấu sẽ được tiếp tục cho tới khi chúng lên 25 tuổi.
Các họa tiết càng dài và rõ nét sẽ chứng tỏ sự trưởng thành của chàng trai. Bên cạnh đó, các vết sẹo cũng đem đến sự may mắn và mạnh mẽ như cá sấu. Nghi lễ này khá nguy hiểm bởi những đứa nhỏ sẽ mất nhiều máu và chịu sự đau đớn nặng nề. Y học kém phát triển khiến không ít người bị nhiễm trùng nặng.
Tộc Chambri có khoảng 1.000 người, sống trong 3 ngôi làng gồm Indingai, Wombun và Kilimbit. Họ đánh cá và trao đổi buôn bán với các làng khác để duy trì cuộc sống. Trong xã hội Chambri, phụ nữ đóng vai trò lớn. Người Chambri tin một số trưởng lão có khả năng hòa hợp với đất trời, giao tiếp cùng thần linh. Họ đóng vai trò xua đuổi tà ma, bệnh tật cho ngôi làng.
Hoài Anh (Theo Zing News)