Hòn đảo tự 'ăn' chính mình

Được tạo lúc 31/07/2020 07:24 Facebook Google + LinkedIn Twitter

Nhật Bản Địa điểm nổi bật

Nishinoshima không ngừng mở rộng. Đến năm 2015, hòn đảo lớn hơn phiên bản cũ tới 12 lần.

Từ hàng nghìn năm cho đến khoảng nửa thế kỷ trước, Nishinoshima - hòn đảo núi lửa phía đông nam Tokyo, vốn yên tĩnh. Chắc chắn, từ xa xưa nó từng phun trào dữ dội cho đến khi dung nham chồng chất thành khoảng rộng vài kilomet. Nhưng trong hàng nghìn năm lặng lẽ, hòn đảo ngày càng mở rộng thành lãnh địa của lũ chim biển.

Cho đến một ngày tháng 4 năm 1973, vùng nước biển phía đông hòn đảo bỗng nổi bong bóng. Từ trên tàu thuyền ngang qua, thủy thủ có thể thấy khói bốc lên. Những nhà hóa học sau đó ghi lại rằng "nước biển đục ngầu với những hạt li ti màu từ vàng đến nâu".

Núi lửa Nishinoshima phun trào. Ảnh: NASA Earth Observatory.
Núi lửa Nishinoshima phun trào. Ảnh: NASA Earth Observatory.

Vài ngày sau, những hòn đảo mới xuất hiện, nối liền với hòn đảo núi lửa ban đầu. Nó không còn là chấm nhỏ giữa đại dương, mà biến thành khối hình bán nguyệt mấp mô, trải dài như đang vồ lấy thứ gì đó để ăn.

Với kích cỡ và hình thù đều phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, hòn đảo có lẽ không thay đổi gì nữa. Nhưng vào cuối năm 2013, nó lại biến đổi. Một núi lửa dưới nước gần Nishinoshima bắt đầu phun trào, dung nham nguội cứng lại thành những đám vặn xoắn. Một hòn đảo mới lại hình thành và trải dài. Giới chức địa phương vốn tính đặt tên mới cho đảo, nhưng chưa kịp ra kết luận thì nó đã sáp nhập với Nishinoshima. Nên hòn đảo mới lại mang tên Nishinoshima.

Hòn đảo biến đổi thành hình bán nguyệt. Ảnh: Bộ Đất đai Hạ tầng và Giao thông Vận tải Nhật Bản.
Hòn đảo biến đổi thành hình bán nguyệt. Ảnh: Bộ Đất đai Hạ tầng và Giao thông Vận tải Nhật Bản.

Lần này, Nishinoshima lại phun trào, nuốt cả những phần đất cũ nổi trên biển. Người ta phải kinh ngạc trước tốc độ phát triển của nó: Năm 2014, Japan Times đưa tin rằng ngọn núi lửa này đã nhả ra đủ dung nham để đổ đầy 6 sân vận động lớn như Tokyo Dome 48.828 chỗ tại thủ đô xứ sở hoa anh đào. Ước tính đã phun ra 7,9 triệu mét khối dung nham.

Cuối năm 2014, những trận phun trào tạm dừng một thời gian. Giới khoa học hiếu kỳ trước một khả năng: liệu khi hòn đảo nguội dần, cây cối và động vật hoang dã có sinh sôi nảy nở không? Một lần nữa, các nhà khoa học phải thất vọng, vì núi lửa lại phun trào, hòn đảo không ngừng lớn lên.

Đến năm 2015, đảo Nishinoshima lớn hơn phiên bản cũ tới 12 lần.

Nishinoshima ngày nay. Ảnh: Cơ quan Thông tin Không gian địa lý Nhật Bản.
Nishinoshima ngày nay. Ảnh: Cơ quan Thông tin Không gian địa lý Nhật Bản.

"Những nhà quan sát lên một chiếc máy bay đi qua hòn đảo nhận thấy hoạt động mạnh mẽ trong miệng núi lửa. Những quả bom dung nham bắn lên cao tới 100 m phía trên miệng núi lửa và đá nóng đỏ rực lăn xuống rìa hòn đảo, chạm tới biển", báo cáo của Viện núi lửa học Smithsonian viết.

Đảo Nishinoshima nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 940 km về phía đông nam. Đến năm 2019, những vụ núi lửa phun trào khiến diện tích hòn đảo tăng đến 2,89 km2. Nó thuộc quần đảo Ogasawara, lãnh địa của gần 200 loài chim. Vì lý do bảo tồn và an toàn, khách du lịch không được phép tới đây mà chỉ những nhà khoa học mới có thể tới để thực hiện nghiên cứu.

Nishinoshima có thể sẽ dừng "ăn" những hòn đảo mới mọc lên quanh nó, nhưng đó là khi nó sẵn sàng ngừng lớn.

Bảo Ngọc (Theo Smithsonian Institution, vnExpress)

Bình luận

Người vô danh
Vui lòng nhập cảm nghĩ của bạn
Chưa có bình luận.