Huyện Đông Hải là nơi sản xuất và cung ứng muối nguyên liệu lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu.
Toàn huyện có hàng trăm hộ làm nghề muối với sản lượng cung ứng ra thị trường một năm khoảng 20.000 tấn. Người làm nghề có thể là chủ ruộng muối, thành viên tổ hợp tác làm muối hoặc những người làm thuê.
Từ sáng sớm và chiều muộn, những diêm dân ra đồng cào muối.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Đông Hải, 5 tháng đầu năm nay, diện tích ruộng muối tại địa phương vào khoảng 3.000 ha.
Nghề muối khá cực nhọc. Người làm phải đội nắng để làm các công đoạn thu hoạch muối. Tuy nhiên vì đây là nghề có từ lâu đời, người làm thạo việc nên thực hiện khá nhanh.
Từ lúc bơm nước biển vào ruộng muối đến khi muối kết tinh và cho thu hoạch mất khoảng hơn 1 tháng. Trong thời gian này, người làm muối rất quan tâm bảo vệ cánh đồng muối. Trong trường hợp có mưa trái mùa, cánh đồng muối có thể bị ảnh hưởng làm giảm sản lượng, thậm chí không thu hoạch được.
Muối Bạc Liêu từ lâu đã có bảo hộ thương hiệu, địa phương này cũng là nơi sản xuất muối lớn và chất lượng hàng đầu tại miền Tây và cả nước, được người tiêu dùng ưa thích.
Ở cùng thời điểm này năm 2019, muối có giá khoảng 1.500 đồng/ kg, tuy nhiên hiện nay chỉ còn 800 đồng/kg.
Nhiều người dân cho biết, dù giá muối giảm nhưng vẫn duy trì nghề, vì đây là “truyền thống”. Việc tiếp tục làm muối cũng là cách thể hiện lòng yêu nghề nghiệp lâu đời này.
Ở Đông Hải, cả đàn ông và phụ nữ đều tham gia vác muối.
Bà Huỳnh Thị Út Mười, ấp Dinh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, gần 30 năm gắn bó nghề muối. Dù công việc nặng nhọc, nhất là công đoạn vác muối, nhưng bà Mười vẫn bám nghề. Đã 47 tuổi, nhưng bà vẫn đều đặn làm việc hàng ngày trên đồng. Mỗi ngày vác thu nhập của bà Mười khoảng từ 200.000 đến 300.000 đồng.
Cũng theo bà Mười, bản thân tham gia nghề để có thu nhập trang trải cuộc sống. Một phần vì đã quen với công việc này từ lâu. “Không làm nghề này, tôi cũng không biết làm gì. Không riêng tôi, rất nhiều hộ dân ở xã Điền Hải cũng chỉ chọn và gắn bó duy nhất với nghề làm muối. Đây như một nghề truyền thống của chúng tôi”, bà Mười cho hay.
Ngay sau khi thu hoạch muối xong, người làm muối tiếp tục bơm nước mặn vào ruộng muối. Công việc cứ nối tiếp như vậy hết mùa khô. Khoảng đầu tháng 6, trời mưa nhiều cũng là lúc người dân tạm nghỉ. Đến đầu tháng 10 sẽ trở lại với nghề.
Nghề làm muối ở Đông Hải nói riêng, ở Bạc Liêu nói chung thường chọn lối sản xuất tập thể, là hình thức tổ hợp tác hùn vốn và diện tích đất để cùng nhau sản xuất. Theo người dân, việc làm muối đồng loạt giúp họ chủ động hơn trong việc bán muối thành phẩm.
Nguyệt Nhi (Theo vnExpress)