Những con dơi to nằm trên bàn chờ được đem nướng, cạnh bên là các loại thịt như khỉ, rắn...
Chợ Tomohon, thuộc tỉnh Bắc Sulawesi, không phải nơi dành cho những người yếu tim. Dọc lối đi, du khách sẽ thấy vô số chó, mèo hay dơi, rắn, khỉ... bị xiên và thui bằng khò gas.
Khi khách du lịch chưa biết đến Tomohon, nơi đây đã là chợ thịt thú rừng của bộ tộc Minahasa. Người Minahasa ăn mừng các ngày lễ trong năm bằng các loại thịt thú, trong đó có dơi.
Người Minahasa bắt đầu ăn những thực phẩm này khi sống trên các cao nguyên của hòn đảo Sulawesi từ hàng trăm năm trước. Đến nay, truyền thống vẫn tiếp tục. Thịt dơi là một trong những món được người Minahasa yêu thích nhất và có trong thực đơn của nhiều nhà hàng trong vùng, với paniki - cà ri dơi là đặc sản bán chạy nhất.
"Thịt dơi thực sự rất ngon. Phương pháp chế biến hay gia vị tẩm ướp không khác gì những món ăn khác, chúng tôi chỉ thêm nước cốt dừa và bột nghệ vào thôi", Helpy Poluakan, một người ghiền paniki, tiết lộ.
"Nhiều người địa phương ngày nào cũng ăn dơi, có người thì tuần một lần", Royke Rarumangkay, một phóng viên CNN tại Bắc Sulawesi, cho hay. Anh nói, cư dân địa phương sốc khi biết dơi có thể là nguồn gốc lây lan dịch nCoV.
Từ khi nCoV bùng phát, các nhà hàng ở Manado - thủ phủ Bắc Sulawesi, tạm ngừng phục vụ những món từ dơi. "Khi tin tức về dịch lan rộng, chúng tôi sợ người ta sẽ đồn thổi bất lợi nếu nhà hàng vẫn bán paniki", Nicolina, chủ một nhà hàng, lý giải quyết định bỏ thịt dơi khỏi menu từ đầu tháng 2.
Tuy nhiên, đặc sản này vẫn đang được tiêu thụ tại nhiều vùng sâu xa hơn như Tomohon. "Tomohon và những chợ bán thịt thú rừng khác ở Indonesia đều tiềm ẩn nguy cơ như một 'lò ấp cúm'", giáo sư R. Wasito, Đại học Gadjah Mada (thuộc vùng Yogyakarta), nhận định. Chuyên gia này nói virsus corona được cho là bắt nguồn từ dơi song nhấn mạnh rằng "chưa có trường hợp nào virus corona lây từ dơi sang người được ghi nhận tại Indonesia".
Lời cảnh báo về "lò ấp cúm" của ông Wasito không phải vô căn cứ. Chính quyền Bắc Sulawesi ghi nhận trường hợp nghi nhiễm nCoV đầu tiên tại Manado, cách chợ Tomohon khoảng 25 km. Bệnh nhân là một em bé Trung Quốc 2 tuổi, đang được cách ly trong bệnh viện và đã đến thành phố từ 21/1.
Một tổ chức bảo vệ động vật đã kêu gọi chính quyền "giám sát chặt chẽ" hoặc đóng cửa hoàn toàn khu chợ, vì không đủ đảm bảo những tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn.
Bảo Ngọc (Theo SCMP, Jakarta Post)