Ngôi đền thờ 'Thần thị thực'
Được tạo lúc 17/08/2020 14:36 Chia sẽ
Ngay cả khi cơ quan ngoại giao nước ngoài không đồng ý, người dân vẫn tin "thần visa" có thể xoay ngược tình huống.
Hàng năm, hàng trăm người dân địa phương hành hương đến bốn "ngôi đền thị thực" nổi tiếng cả nước để tìm kiếm phép màu. Họ tin rằng, chỉ cần đến đây bày tỏ lòng thành, các vị thần sẽ giúp họ có được thị thực của các quốc gia danh tiếng như Mỹ, Anh, Canada... "Ngay cả khi lãnh sự quán từ chối, họ vẫn tin các vị thần có thể thay đổi quyết định", một người dân cho biết.
Một trong những ngôi đền này là Chilkur Balaji, nằm bên hồ Osman Sagar ở thành phố phía nam Hyderabad. Ngôi đền thờ riêng đấng tối cao Venkateswara Balaji. Do vậy, đền còn có tên gọi khác là Visa Balaji.
Hyderabad là trung tâm công nghệ của Ấn Độ, nơi đặt văn phòng các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu và những ông lớn công nghệ như Dell, Microsoft, Apple, Google và Amazon. Nơi này cũng có nhiều sinh viên đến Mỹ hơn mọi nơi khác, theo SCMP. Ngôi đền bắt đầu nổi tiếng hơn trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin vào những năm 1980. Khi đó, một nhóm lớn các chuyên gia IT nhận được thị thực tới Mỹ sau khi đến thăm ngôi đền. Thông tin nhanh chóng được lan truyền khắp Ấn Độ với tốc độ chóng mặt. Sau đó, hàng nghìn người đã đến đây xếp hàng để bày tỏ lòng thành kính với "Thần visa".
Những người sùng đạo thậm chí còn đi vòng quanh ngôi đền 11 vòng và tụng các câu chú bằng tiếng Anh hoặc tiếng Telugu, theo hướng dẫn của những vị tăng trong đền. Nhiều người mang theo hộ chiếu để được ban phước lành khi các vị sư làm lễ. Với những người đã toại nguyện khi có visa đều quay lại để đi thêm 108 vòng và dâng lễ vật lên các vị thần.
"Các tín đồ có niềm tin mạnh mẽ rằng Thần visa sẽ giúp họ hoàn thành mong muốn. Ngôi đền hiện đã đóng cửa do Covid-19 nhưng trong thời gian trước đây, chúng tôi đón khoảng 75.000 - 100.000 khách đến mỗi tuần, tới từ mọi miền đất nước. Hầu hết mọi người đều ở độ tuổi 25 -35, đang tìm kiếm việc làm hoặc nhập học ở các trường đại học hàng đầu của Mỹ", một thành viên của quỹ tín thác trong đền cho biết.
Venkat Munshi, đến từ thị trấn Kukatpally gần Hyderabad, cho biết anh đã đến cầu nguyện ở đền vài lần. Năm 2016, anh đã xin được visa Mỹ và sang đó học. Giờ đây, mỗi khi trở về, anh đều đến thăm ngồi đền. "Bạn tôi thì không may mắn như vậy. Cậu ấy đến đây ba lần, nhưng vẫn bị từ chối visa. Người trông đền nói rằng đây là vấn đề ở đức tin", chàng trai 23 tuổi cho biết.
"Hiện giờ, việc cấp, gia hạn thị thực khó hơn. Vì vậy, bất kỳ khi nào về Ấn Độ, tôi đều đến thăm Shaheed Baba Nihal Singh Gurdwara (một ngôi đền thị thực khác)", Ankit Panag đến từ thành phố Jalandhar gần Punjab và hiện theo học tại Đại học Washington ở St Louis cho biết.
Ngôi đền này nằm gần Jalandhar, với hàng chục cửa hàng bán mô hình máy bay gần đó. Người dân tin rằng, những chiếc máy bay củng cố thêm niềm tin. Dâng một chiếc máy bay lên, vị "Thần thị thực" có thể giúp mong ước của bạn thành hiện thực.
Ngoài việc cầu nguyện, một số đền thờ visa khác như Khadia Hanuman ở Ahmedabad, Gujarat còn tổ chức các buổi tư vấn cho sinh viên. Ngôi đền này thờ thần mặt khỉ Hanuman (còn được gọi là Pawan Putra - con trai của Gió) trong thần thoại Hindu. Hanuman có năng lực bay phi thường, và từng tới Sri Landka mang theo cả núi thảo mộc từ dãy Himalaya về giúp các vị thần y chữa trị bệnh cho người anh trai của đấng Rama, Laxman.
Hanuman cũng được thờ tại đền khác là Visa Wale Bajrangbali ở New Delhi. Vào cuối tuần, hàng trăm người đến đây, mang theo hộ chiếu để cầu nguyện xin đỗ thị thực. Trước Covid-19, lượng khách đến đền xem tử vi, hỏi ý kiến về triển vọng đỗ visa của họ rất đông. Những người quản lý, trông coi đền đã phải tiến hành làm các buổi lễ ban phước với mục đích nâng cao khả năng khách nhận được thị thực.
Các vị khách sẽ viết điều ước lên giấy, rồi dâng lên đấng Hanuman. Họ cũng được phát những câu chú để tụng hàng ngày, nhằm giúp việc xin thị thực thuận lợi. Với những người hoàn thành tâm nguyện, họ sẽ quay lại dâng cúng chuối và viết thư cảm ơn.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ và Viện Giáo dục Quốc tế, khoảng 1,1 triệu sinh viên nước ngoài đã theo học tại các cơ sở giáo dục của nước này trong năm học 2018 - 2019, đóng góp 44,7 tỷ USD cho nền kinh tế. Sinh viên Ấn Độ đóng 10 - 13 tỷ USD hàng năm cho việc đóng học phí ở nước ngoài.
Theo BBC, sau Trung Quốc, Ấn Độ gửi nhiều sinh viên ra nước ngoài học hơn bất kỳ quốc gia nào. Hơn một triệu người Ấn đang theo học các chương trình giáo dục đại học ở nước ngoài tính đến tháng 7/2019, theo Bộ Ngoại giao nước này.
Anh Minh (Theo SCMP, vnExpress)