Những quốc gia cuối cùng chưa có người nhiễm nCoV
Được tạo lúc 18/08/2020 06:44 Chia sẽ
Covid-19 lây lan khắp thế giới với hơn 22 triệu người nhiễm bệnh, 777.000 người chết nhưng còn vài quốc gia đại dịch chưa lan tới.
Từ khi bùng phát tại Trung Quốc vào tháng 12/2019, đến nay nCoV đã xuất hiện ở ít nhất 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến 18/8, còn 12 trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với virus, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.
12 quốc gia đại dịch chưa lan tới gồm Kiribati; Đảo Marshall; Micronesia; Nauru; Palau; Samoa; Quần đảo Solomon; Tonga; Turkmenistan; Tuvalu; Triều Tiên và Vanuatu. Hầu hết những quốc gia này là đảo nhỏ ít khách du lịch, không loại trừ khả năng có nước chưa báo cáo về các trường hợp lây nhiễm như Triều Tiên hay Turkmenistan. Mới đây, Triều Tiên vừa dỡ phong tỏa Kaesong, thành phố gần biên giới Hàn Quốc này phát hiện một người đào tẩu nghi nhiễm nCoV quay về nước.
Thực tế, 6 trong 25 nơi ít khách quốc tế đến nhất thế giới không có Covid-19, theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc. Nhiều hòn đảo phản ứng nhanh chóng trước đại dịch, bằng cách thiết lập các lệnh hạn chế đi lại và tăng cường sàng lọc từ đầu tháng 1 để ngăn chặn virus - đặc biệt là Samoa, nơi vừa trải qua đợt bùng phát dịch sởi tàn khốc vào cuối năm 2019.
Kiribati đã ban lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ những quốc gia đang có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Nếu muốn đến hòn đảo ở trung tâm Thái Bình Dương này, khách quốc tế phải từ một quốc gia không còn nCoV ít nhất 14 ngày và có giấy tờ y tế chứng minh âm tính với virus. Nếu đến trước thời hạn 14 ngày, du khách có thể bị cách ly bắt buộc hoặc trục xuất.
Còn Nauru, đảo quốc nhỏ nhất thế giới, cấm nhập cảnh đối với bất kỳ du khách nào từng đến Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, Hàn Quốc, Italy hoặc Iran trong 21 ngày trước khi đến đây. Mọi du khách đều phải hoàn thành thủ tục khai y tế để nộp cho đại diện Bộ Y tế khi đến và kiểm tra sức khỏe. Hành khách có triệu chứng giống cúm sẽ phải cách ly cho đến khi có kết luận của cơ quan y tế.
Cũng hạn chế nhập cảnh, Tonga vẫn có một chuyến bay đến Auckland (New Zealand) hàng tuần để phục vụ những khách quốc tế muốn xuất cảnh. Hiện đảo quốc phía nam Thái Bình Dương này vẫn cấm mọi tàu thuyền cập cảng cho đến khi có thông báo mới.
Andy Tatem, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Southampton (Anh), cho rằng các hòn đảo xa xôi của Nam Thái Bình Dương là những nơi cuối cùng Covid-19 lan tới. Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu, ông không dám chắc có bất kỳ nơi nào sẽ thoát khỏi căn bệnh truyền nhiễm này. "Hầu hết các quốc gia trên dựa vào một số nguồn nhập khẩu, dù là thực phẩm, hàng hóa hay khách du lịch - hoặc phải xuất khẩu hàng hóa của chính họ. Có thể họ phong tỏa hoàn toàn, nhưng sẽ gánh chịu thiệt hại", ông Tatem lý giải.
Nền kinh tế của nhiều đảo quốc Thái Bình Dương vốn phải vật lộn chống chọi với sự sụt giảm thảm khốc của ngành du lịch trong đại dịch. Doanh thu từ du lịch ước tính chiếm tới 20-30% hoạt động kinh tế ở các quốc gia như Samoa và Tonga; ngành công nghiệp không khói này là nguồn cung cấp việc làm và ngoại hối chính cho các quốc gia như Palau và Samoa.
Nhưng khi khách du lịch từ Australia, New Zealand và những nước châu Á không thể hoặc không muốn đi du lịch do các biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế đi lại, hàng loạt khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên các hòn đảo trống không, buộc phải sa thải toàn bộ nhân viên và đóng cửa.
Kinh nghiệm cho thấy giá hàng hóa, du lịch và kiều hối sẽ tăng trở lại sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 lắng xuống. Tuy nhiên, đại dịch có thể gây ra thiệt hại khủng khiếp hơn cả những thảm họa thiên nhiên khốc liệt nhất. Các hãng hàng không trong khu vực - vốn là đường lưu thông thiết yếu đưa khách du lịch đến các hòn đảo xa xôi này - đang chật vật do tình trạng không có doanh thu kéo dài. Mất doanh thu và hoạt động hạn chế, trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đóng băng, đồng nghĩa rằng nhu cầu du lịch vẫn thấp ngay cả sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Để cứu trợ nền kinh tế dễ tổn thương của các đảo quốc Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á và các đối tác... về các giải pháp và cách tiếp cận sáng tạo nhằm hỗ trợ các nước này vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và phục hồi kinh tế. IMF cần tăng gấp đôi khả năng tài trợ khẩn cấp - cung cấp tới 643 triệu USD cho các quốc gia này.
Phạm Huyền (Theo IMF, vnExpress)