Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Được tạo lúc 16/06/2020 02:39 Facebook Google + LinkedIn Twitter

Indonesia Trải nghiệm Địa điểm nổi bật

Hàng thế kỷ qua, dân làng Lamalera sống nhờ biển và có nghề đánh bắt cá nhà táng, cá đuối, cá heo...

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Làng Lamalera nằm dọc bờ biển, dưới chân núi đá dốc trên đảo Lembata, Indonesia. Dân cư ở đây sống chủ yếu dựa vào đánh bắt hải sản và đặc biệt là cá nhà táng, thuộc họ cá voi, một trong những sinh vật lớn nhất của thế giới đại dương. Từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm ở Lamalera là mùa lefa, lúc những người đàn ông cầm lao ra biển để bắt cá nhà táng.

Claudio Sieber, nhiếp ảnh gia Thụy Sĩ, đã dành hai tuần ở làng Lamalera để tìm hiểu và ghi lại hình ảnh tư liệu về đời sống hàng ngày của người dân cũng như nghề săn cá voi. "Lamalera có nền văn hóa ảnh hưởng từ Công giáo và người Nhật sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Tôi phiêu lưu tới vùng đất Lamalera xa xôi này để tìm hiểu, làm cách nào họ giữ nghề bắt cá voi như vậy qua nhiều thế kỷ. Với nhiều người, chỉ nghĩ tới giết cá voi cũng làm họ thấy đau khổ, nhưng nghề này đã trở thành kế sinh nhai của người dân Lamalera, là nguồn sống, niềm tự hào của họ".

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Mỗi năm, ngôi làng có vài trăm hộ dân này bắt 40 con cá nhà táng, còn lại họ săn thêm cá heo, cá đuối, cá mập, cá voi sát thủ, cá voi hoa tiêu...

Mỗi khi một con cá nhà táng được bắt về, thịt sẽ được chia cho các gia đình theo thông lệ đã có từ lâu. Người làng Lamalera đổi thịt cá để lấy chuối, gạo, bột sắn, ngô và các nông sản khác với các làng, thị trấn trên đảo chính.

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Người dân Lamalera có cuộc sống rất khiêm tốn, chỉ ở mức vừa đủ. Mỗi ngôi nhà trong làng là nơi ở cho 5, 6 gia đình và trong nhà chỉ có một vài cặp bàn ghế nhựa. Trong sân thường phơi đầy thịt cá voi, cá đuối. 

Theo lời trưởng làng, họ không thể tồn tại nếu chỉ dựa vào nguồn cá voi ít ỏi mà vẫn phải đánh bắt thêm các loại cá khác. Ngôi làng nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn khi các nhà bảo tồn lo ngại họ khai thác quá mức. Tuy nhiên, từ nhiều thế kỷ qua Indonesia vẫn cho phép dân săn cá voi ở biển Savu, thuộc tuyến đường di trú của chúng. 

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Một cậu bé 12 tuổi nhảy lên phóng lao vào không trung như đang nhắm vào con cá voi tưởng tượng để luyện tập nghề đi săn cá sau này. Rất nhiều bé trai trong làng kể rằng ước mơ của chúng là làm ngư dân săn cá voi. Khi không tập luyện các kỹ năng săn cá, chúng thường chèo thuyền hoặc lướt sóng bằng những ván gỗ. 

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Lamalera là ngôi làng Công giáo từ khi những nhà truyền giáo người Hà Lan đặt chân tới đây vào thế kỷ 18, tuy nhiên người dân vẫn bảo tồn các phong tục tập quán trước đó của họ. Vào đầu mùa săn cá voi, một số đàn ông trong làng được lựa chọn để làm lễ tế bằng thịt gà tại một hòn đá thiêng trên núi. Sau đó, họ lấy lá từ các loài cây mà họ tin rằng có thể chống được linh hồn cá voi và thả xuống sóng biển. Nếu không bắt được con cá nhà táng nào trong vài tháng liền, có thể họ sẽ lặp lại nghi lễ này. 

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Sau nghi lễ đó, dân làng tụ họp làm tiếp lễ trước một nhà nguyện nhỏ bên bờ biển cùng với những khúc xương sống và sọ cá voi đã tẩy rửa. Trong buổi lễ, cha xứ sẽ đọc tên tưởng nhớ những ngư dân chết vì nghề trong các năm qua. Sau đó các giáo dân thắp đèn, nến và thả xuống sông để gửi lời cầu nguyện tới tổ tiên.

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Vừa đếm "satu, dua, tiga" ngư dân vừa lấy đà đẩy thuyền xuống biển để ra khơi. Bờ biển trước làng Pamalera mùa nào cũng đầy thuyền, ước chừng 14 thuyền gỗ truyền thống gọi là paledang, và 20 thuyền máy. 

Vào mùa săn cá voi, cứ mỗi sáng sớm trừ chủ nhật, ngư dân ra khơi từ 6h30 và trở về khi chiều muộn, đôi khi họ bắt được một con cá voi, hoặc thuyền về với những loại cá khác. 

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Trên hình là chuyến săn cá voi bằng thuyền gỗ paledang được kéo ra biển nhờ thuyền máy khác. Khi paledang tiếp cận cá voi đủ gần, đội bắt cá sẽ thả dây thừng và chèo tay để tiến đến vị trí tốt hơn.

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Một ngư dân trong đội gồm chục người săn cá voi, là người đầu tiên cầm lao đồng thời hướng dẫn đội săn gọi là lama fa. Họ cũng là người gánh trên vai trách nhiệm mang nguồn thực phẩm về cho dân làng. Petrus Glau Blikolulong (ảnh) hay "papa Petro" là một trong những lama fa được kính trọng nhất với 21 năm đi biển. 

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Chọn đúng thời điểm, lama fa sẽ phóng lao từ thuyền tới con cá nhà táng. Một khi cá bị đâm lao sẽ cố gắng bơi và kéo thuyền đi tới khi nó kiệt sức. Đây là thời khắc nguy hiểm với mọi người trên thuyền vì thuyền gỗ rất dễ bị phá hỏng bởi những con cá to lớn. Lần đó con cá bị thương nhưng vẫn thoát được thuyền của Blikolulong.

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Một tuần sau khi con cá nhà táng mà Blikolulong đâm lao bỏ trốn, một nhóm ngư dân khác tìm thấy nó đang dạt trên biển và đã kéo vào bờ. Họ mất tới hai ngày để làm thịt con cá. Ngoài thịt ra thì phần nào của cá cũng được sử dụng, ví như răng cá có thể làm trang sức hoặc bùa. Một con cá nhà táng lớn như vậy có thể đủ cho cả làng ăn trong một tháng. Ngoài đánh bắt cá, dân làng Lamalera thi thoảng nuôi thêm gà, lợn nhưng cá vẫn là nguồn protein chính của họ. 

Nơi người dân săn cá voi bằng lao tre

Lama fa sẽ là người nhận phần thịt lớn nhất, số còn lại thường do những các ngư dân khác quyết định và chia cho dân làng. Bên cạnh số thịt khổng lồ, một con cá voi có thể cung cấp rất nhiều mỡ để làm nguyên liệu nấu ăn, làm mồi lửa... Ngoài lấy từ phần mỡ của thịt cá, dân làng còn lấy từ phần đầu cá voi. 

Khánh Trần. Ảnh: Cladio Sieber (Theo Hakai magazine, vnExpress)

Bình luận

Người vô danh
Vui lòng nhập cảm nghĩ của bạn
Chưa có bình luận.