Bản sao 10 thành phố nổi tiếng 'made in China'
Được tạo lúc 16/07/2020 06:29 Chia sẽ
Không chỉ dựng lại một tòa nhà, một di tích..., Trung Quốc sở hữu những thành phố, thị trấn châu Âu thu nhỏ sao y bản chính.
Nằm gần thành phố cảng Thiên Tân là ngôi làng Florentia - thực tế đó là trung tâm mua sắm rộng khoảng 20 hecta trị giá 220 triệu USD. Nơi này đón từ 10.000 đến 25.000 khách một ngày, một phần do có đường tàu cao tốc nối thẳng từ Bắc Kinh đến Thiên Tân.
Bên cạnh những thương hiệu truyền thống của Italy như Fendi, Gucci hay Prada, du khách còn có thể tìm thấy những cái tên nổi tiếng từ Anh, Mỹ hay Trung Quốc... với hơn 200 cửa hiệu. Theo Telegraph, thậm chí có cả một nhà hàng Italy mang tên Bella Vita do một người đàn ông đến từ Verona điều hành.
Đi ra vùng ngoại ô của Hàng Châu, du khách sẽ thấy một thành phố hiện ra như kinh đô ánh sáng của Pháp. Đó chính là Thiên Đô Thành, bản sao của Paris với tháp "Eiffel" (trái) cao khoảng 107m y bản chính. Dù tọa giữa một khu đô thị dành cho khoảng 10.000 dân, thành phố này phần lớn lại bị bỏ hoang.
Welcome to the Beautiful City of Paris ... China. Video: Great Big Story..
Vào những năm 2013-2014, báo chí nhắc đến khu đô thị này với tên gọi "thành phố ma". Tuy nhiên đến năm 2017 nơi đây có khoảng 30.000 người dân sinh sống và lượt khách đổ về đây ngày một tăng.
Bản sao của Hallstatt, ngôi làng lịch sử của Áo dưới chân dãy Alps, nằm giữa tỉnh Quảng Đông. Một nhà đầu tư đã chi 940 triệu USD để "đem" toàn bộ ngôi làng đẹp nhất thế giới về Trung Quốc, với kỳ vọng lôi kéo khách du lịch tới tham quan, và người dân tới khu đô thị này định cư.
Overseas Chinese Town East (trái) là công viên chủ đề du lịch sinh thái có một hồ nhân tạo và một quận được dựng theo thị trấn Interlaken của Thụy Sĩ. Interlaken có resort 5 sao với spa, sân golf, tàu hỏa hơi nước cũng như một cây cầu gỗ cổ...
Nét kiến trúc Victoria của Iterlaken của Thụy Sĩ còn xuất hiện trên phố Tonghui Town International Bar, tọa lạc ngay giữa lòng Bắc Kinh. Đây là một phần của dự án hơn 57 triệu USD gần Guomao, trung tâm tài chính của thủ đô Trung Quốc. Nơi này ra đời với kỳ vọng trở thành tụ điểm ăn chơi phổ biến sau giờ làm của giới văn phòng, với những quán bar và nhà hàng sôi động. Nhưng điều đó không xảy ra, con phố này vẫn vắng vẻ và không có hoạt động buôn bán gì.
Một làng chài cổ ở Thiên Tân đã dành một góc để biến thành Manhattan thu nhỏ, nơi những nhà đầu tư hy vọng trở thành trung tâm tài chính mới của thế giới. Nó còn có những bản sao của trung tâm thương mại Rockefeller và Lincoln. Theo kế hoạch, nơi này hoàn thành vào 2019, nhưng dự án sau đó dừng thi công và Manhattan thu nhỏ đã biến thành thị trấn ma.
Những ngõ lát đá, kiến trúc Victoria, quán bar trong góc phố... khiến thị trấn Thames tại quận Tùng Giang, Thượng Hải mang dáng vẻ của nước Anh. Vài tòa nhà còn là sao y bản chính tại Anh. Đây là một phần của dự án nhà ở 1 thành phố - 9 thị trấn, nhằm thu hút người dân rời khỏi trung tâm đông đúc của Thượng Hải đến định cư tại một trong 9 ngôi làng mang phong cách kiến trúc châu Âu.
Thay vì xây vài lâu đài trong chuyện cổ tích, những kiến trúc sư Đức được thuê để dựng lên Anting German ở ngoại ô Thượng Hải, một thị trấn hiện đại kiểu Đức giữa Trung Quốc. Thành phố này đủ cho khoảng 50.000 người, nhưng lại gần như trống không vì chỉ 20% căn hộ có người ở.
Còn được mệnh danh là "Hà Lan của Phố Đông", thị trấn Hà Lan này là một ngôi làng lấy những nét đặc trưng nhất của Amsterdam và vùng Amersfoort. Đến đây, du khách sẽ thấy kênh rạch và những chiếc cối xay gió. Một số công trình được xây dựng theo nguyên mẫu như Bảo tàng Hàng hải Hà Lan, cửa hàng bách hóa Bijenkorf ở Amsterdam.
Kiến trúc Thụy Điển cũng xuất hiện trong một dự án 1 thành phố - 9 ngôi làng đầy tham vọng ở ngoại ô Thượng Hải. Thị trấn Bắc Âu (North Europe Town) này mang dáng dấp của thị trấn Sigtuna tại Thụy Điển, và ảnh hưởng của vùng Sigtuna. Du khách sẽ thấy bản sao của hồ Malaren và tòa nhà Quốc hội của Iceland.
Bảo Ngọc (Theo Business Insider, vnExpress)