Giống chó khổng lồ của người Tây Tạng

Được tạo lúc 06/05/2020 09:53 Facebook Google + LinkedIn Twitter

Tây Tạng Trung Quốc Trải nghiệm Địa điểm nổi bật

Những con chó to lớn với bộ lông dày thường tập trung xung quanh khu vực hồ Yamdrok, hồ Namtso và hồ Manasarovar cùng những người du mục.

Đến Tây Tạng, du khách thường bắt gặp hình ảnh những con chó to lớn với bộ lông dày đi cùng những người du mục. Họ thường tập trung xung quanh khu vực hồ Yamdrok, hồ Namtso và hồ Manasarovar - những vùng đất chăn thả tự do của người du mục từ mùa xuân đến mùa thu. Những con chó thường đi lang thang quanh đàn gia súc, hoặc ngồi canh gác trên những bãi đá.

Là một trong những giống chó hiếm nhất thế giới, chúng được gọi là ngao Tây Tạng hay Ngao Tạng. Trong tiếng Tây Tạng, những con chó này được gọi là Drog-Khyi, có nghĩa là "chó du mục". Tên tiếng Anh - Tibetan Mastiff, được người phương Tây đến đây và đặt cho.

Chó ngao Tây Tạng cùng chủ của mình. Đây là giống chó trung thành của những người du mục Tây Tạng trong hàng ngàn năm. Chúng được nuôi để bảo vệ đàn gia súc khỏi sự tấn công của những động vật săn mồi như sói, báo, gấu và hổ. Ảnh: 65AT.
Chó ngao Tây Tạng cùng chủ của mình. Đây là giống chó trung thành của những người du mục Tây Tạng trong hàng ngàn năm. Chúng được nuôi để bảo vệ đàn gia súc khỏi sự tấn công của những động vật săn mồi như sói, báo, gấu và hổ. Ảnh: 65AT.

Khi còn nhỏ, chúng được các gia đình du mục chăm sóc rất tốt. Tình bạn dần nảy nở và như một phần của bản năng tự nhiên, mối liên kết giữa con chó và gia đình là không thể phá vỡ. Ngoài ra, chúng còn được nuôi để bảo vệ tu viện và các nhà sư, được gọi với cái tên Tsang-Khyi, có nghĩa là "chó ở tu viện". Chó thường lớn hơn và nặng hơn những con chó du mục, với mặt xệ và nhiều nếp nhăn. 

Với thân hình khổng lồ, một con chó đực Tây Tạng thường nặng khoảng 55 - 90 kg, gần bằng trọng lượng của một người đàn ông trưởng thành, và cao ít nhất khoảng 70 cm. Nó có bộ lông dày để giữ ấm, thường màu đen hoặc nâu. Nhiều người cho rằng chó ngao có thể thích nghi dễ dàng với độ cao của cao nguyên Thanh Tạng là vì chúng từng lai với những con sói trong thời tiền sử.

Những con chó lớn và nặng hơn thường ở tu viện và đền thờ vì ít phải di chuyển, trong khi những con chó có thân hình đẹp và cơ bắp sẽ được sử dụng để canh gác và bảo vệ đàn gia súc. Chúng thường ngủ vào ban ngày và thức dậy khi trời tối để
Những con chó lớn và nặng hơn thường ở tu viện và đền thờ vì ít phải di chuyển, trong khi những con chó có thân hình đẹp và cơ bắp sẽ được sử dụng cho việc canh gác và bảo vệ đàn gia súc. Ảnh: Tibet Sun.

Một trong những truyền thuyết cho rằng, chó ngao Tây Tạng là hiện thân của những người chưa đạt cấp độ giác ngộ tiếp theo. Họ quay lại trần thế, hoá kiếp chó để bảo vệ con người và động vật. Hoặc có người cho rằng, vùng đất này từng bị bao phủ trong băng tuyết, bệnh dịch lan tràn khắp nơi. Một ngày, có vị thần cưỡi chó ngao từ trên trời xuất hiện, thổi tan băng tuyết, hồi sinh vùng đất và cứu người dân Tây Tạng. 

Các truyền thuyết này đều phản ánh mối quan tâm của người Tây Tạng đối với chó ngao, và chúng đã trở thành giống chó linh thiêng, cả trong truyền thuyết và đời thực. Người ta thường nói rằng một người du mục Tây Tạng có ba kho báu lớn: chó ngao, ngựa tốt và dao sắc. Do đó, họ xem những con chó như một phần của gia đình. Ngày nay, trong dịp Losar - tức Tết Tây Tạng, gia chủ vẫn đãi những con chó ngao thịt, zanba (bánh bột lúa mạch rang nhào với bơ và đường nâu) để thể hiện lòng biết ơn chúng đã đồng hành cùng họ suốt một năm qua.

Khi gặp chó ngao Tây Tạng lần đầu tiên, đặc biệt trong trại du mục, du khách không nên đến quá gần vì chúng có thể gây nguy hiểm. Chúng có thể coi du khách là mối đe dọa đối với gia đình hoặc đàn gia súc. Tuy nhiên, những người dân du mục sẽ giúp du khách làm quen với những con chó. Hầu hết người dân địa phương sẽ tính phí du khách chụp ảnh cùng chó ngao Tây Tạng, vì vậy bạn nên xin phép và hỏi giá trước. 

Du khách chụp ảnh cùng chó ngao Tây Tạng. Ảnh: Asia Nikkei.
Du khách chụp ảnh cùng chó Ngao Tây Tạng. Ảnh: Asia Nikkei.

Ở Lhasa, du khách đến tham quan chợ thú cưng địa phương có thể mua chó ngao Tây Tạng được bán với giá khoảng 1.500 USD. Tuy nhiên, việc vận chuyển động vật xuyên biên giới không đơn giản, đòi hỏi nhiều giấy tờ, chứng nhận tiêm chủng cũng như giấy phép nhập khẩu. Dù không mua bán gì, chợ là nơi tốt để du khách chơi đùa với các chú cún Tây Tạng khi chúng chưa to lớn và hung dữ. 

Ngân Dương (Theo Tibet Travel, vnExpress)

Bình luận

Người vô danh
Vui lòng nhập cảm nghĩ của bạn
Chưa có bình luận.