Một năm thế giới không có du lịch
Được tạo lúc 18/03/2021 03:17 Chia sẽ
Người Hội An đi biển kiếm sống, sân bay Changi mở thêm dịch vụ để cầm cự, dân Paris vẫn không chấp nhận việc gọi đồ ăn về nhà.
Ngày 11/3/2020 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch Covid-19 diễn ra với mức độ lây lan báo động trên toàn thế giới. Gần như ngay lập tức, hoạt động du lịch toàn cầu dừng lại, khi các quốc gia đóng cửa biên giới, các hãng hàng không hủy chuyến bay và các thành phố phong tỏa. Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và sinh kế của người dân liên tục gia tăng. Covid-19 giáng đòn chí mạng vào ngành công nghiệp du lịch và những ai phụ thuộc vào nó.
Mới đây New York Times thực hiện chuỗi bài về các điểm du lịch nổi tiếng để nhìn lại một năm cả thế giới không du lịch vì Covid-19.
Hội An: Quay về sống dựa vào biển
Lê Văn Hùng đi từ căn nhà nằm dưới bóng dừa ra, trong lòng rối bời giữa những hy vọng và lo lắng, xung quanh vang tiếng gà gáy, trước mặt là con đường nhỏ dẫn ra biển, phía trên là bầu trời đầy nắng.
Biển êm sau nhiều tháng bão bùng nghĩa là giờ ông có thể an toàn đi đánh cá kiếm ăn cho gia đình. Ông Hùng (51 tuổi) từng là một ngư dân đi thuyền lớn đánh cá nhiều năm nhưng 2019 ông bỏ việc để giúp con gái bán hàng ăn ven biển.
Du khách và cả kế sinh nhai của gia đình ông tan biến khi Covid-19 ập đến vào đầu năm 2020. Sau đó vào tháng 11/2020, là một đợt bão tàn khốc, gió lớn đã đánh sập quán ăn dựng trên cồn cát của họ và kéo ra biển.
Hiện tại, như nhiều người Hội An khác đã bỏ đi biển để tham gia vào chuỗi dịch vụ du lịch như chạy bàn, bảo vệ hoặc lái tàu cao tốc, mở quán ăn... ông Hùng lại trở về với nghề mình giỏi nhất - ra khơi đánh cá. Ông có vóc người thấp bé, lưng còng nhưng phải làm việc nuôi thêm sáu miệng ăn cùng sống chung dưới mái nhà nhỏ lợp ngói. Họ gần như không đủ tiền sống qua ngày.
Kể từ tháng 9 năm ngoái, những đợt bão dữ, gió lớn và biển động không cho ông ra biển, bởi chiếc thuyền thúng của ông chắc chắn sẽ lật úp. Nhưng nhìn những cơn sóng cuối tháng 2 vừa rồi cùng với một nửa số gạch xây quán ăn cũ vẫn rải rác trên bờ biển, ông Hùng tự nhủ: "Ngày mai chắc ổn hơn rồi". Vì thế, mới sáng sớm hôm sau ông Hùng chèo thuyền ra biển, cách bờ khoảng 350 m tới vùng nước trong xanh như ngọc, bắt đầu thả lưới. Ông vừa chèo thuyền vừa giăng lưới tạo chiếc bẫy rộng tới gần 500 m để bắt cá.
Ông Hùng lớn lên ở Hội An, vùng quê mà hàng thế kỷ qua đã hình thành một cộng đồng ngư dân vừa đánh cá vừa trồng lúa. Hội An còn là phố cổ lưu giữ nhiều hàng quán, nhà cửa xây theo kiểu Trung Hoa, Nhật và phảng phất nét kiến trúc Pháp thuộc.
Hơn 15 năm qua, các nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế đã đổ về đây với hàng tỷ USD để xây những khu nghỉ dưỡng ven biển, đồng thời người dân cũng mở ra hàng trăm khách sạn nhà nghỉ, nhà hàng và cửa hiệu cả bên trong và xung quanh phố cổ. Du khách quốc tế dần kéo đến Hội An, kín những bãi biển vào ban ngày và chật cả phố cổ vào ban đêm. Đại dịch đến và giáng một đòn mạnh vì Hội An đã quá lệ thuộc vào khách nước ngoài. Năm 2019, trong tổng 5,35 triệu khách đến Hội An, có 4 triệu khách là người nước ngoài.
Khi có nhiều khách sạn mọc lên quanh nhà ở bãi biển Tân Thành, gia đình ông Hùng cũng mượn tiền họ hàng để mua ghế tắm nắng, ô mái cọ và dựng một quán ăn ngoài trời ngay đằng sau nhà vào năm 2017. Con gái ông, Hồng Vân (23 tuổi), chuẩn bị các món hải sản như chả cuốn tôm, mực. Hai con trai của ông giúp nấu ăn và dọn bàn, còn ông rửa chén bát. Ông Hùng bỏ nghề đi biển vào hè 2019 vì nghĩ du lịch sẽ giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn.
Ông kể: "Hồi đó tôi vui hơn. Làm ở nhà tinh thần thoải mái, dễ chịu hơn khi được sinh hoạt cùng mọi người". Ở nhà bán hàng ăn ông kiếm được 15 triệu đồng/ tháng, gấp 5 lần mức thù lao từ nghề đi biển.
Nhưng giờ hàng quán trống không vì Covid-19, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đóng biên giới từ tháng 4/2020. Đợt bùng dịch thứ 2 diễn ra vào tháng 7/2020 tại Đà Nẵng, vào lúc mọi người đang hy vọng hồi sinh du lịch nội địa. Đợt dịch đó lần nữa khiến mọi dịch vụ ở Hội An đóng cửa nhiều tuần liền.
Số tiền tiết kiệm gần cạn, ông Hùng biết rằng mình phải quay lại biển. Tháng 8/2020, ông lại thuần thục đẩy chiếc thuyền thúng ra biển, con gái ở nhà bán thêm hải sản trên Facebook cá nhân. Nhưng biển ngày một nguy hiểm khi mùa mưa kéo dài tới gần hết năm. Dù vậy, ông vẫn mơ có ngày lại đánh bắt được thật nhiều tôm cá: "Vẫn phải hy vọng chứ, nhưng tôi chẳng biết được dưới biển có gì nữa".
Sân bay Changi: Chờ những hành khách không tới
Một buổi sáng thứ 5 ở sân bay Changi, sáu người đem theo máy tính cá nhân vào ngồi ở phòng chờ Changi Lounge và làm việc. Trên các ghế trống có dán giấy để nhắc nhở mọi người "giữ khoảng cách an toàn". Phòng chờ không còn dãy đồ ăn nhẹ hay quầy giải khát, thay vào đó là phục vụ tại bàn với bánh sừng trâu và cà phê
Alyss Leow (36 tuổi) một điều hành nhân sự, đến đây làm việc khoảng một, hai tuần một lần. Cô trả phí 200 USD cho mỗi quý. "Có những ngày tôi chẳng muốn làm tại nhà, trong khi ở đây rất ổn. Nơi này đem lại cảm giác tốt hơn, một kiểu thư giãn cần thiết cho trí óc".
Hai năm trước, sân bay Changi rất thành công, thu về tới 1,3 tỷ USD từ dịch vụ mua sắm và các khu giải trí phức hợp như rạp chiếu phim, thác nước trong nhà. Changi được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới trong 7 năm liên tiếp. Luôn ở đỉnh cao, Changi còn giữ kỷ lục đón 63,8 triệu lượt khách vào năm 2019.
Nhưng khi Covid-19 bùng phát khắp thế giới, lượng khách đến Changi giảm 83% vào năm qua. Lợi nhuận ròng của sân bay giảm 36%, chỉ còn 327 triệu USD. Nhà ga sân bay thứ 5 đang xây phải ngừng lại. Tháng 1/2020 Changi có 33.000 chuyến bay cất cánh, nhưng tới tháng 1/2021, con số đó chỉ còn 7.500.
Đối phó với sự giảm sút đó, sân bay quyết định tập trung vào thị trường nội địa. Từ trước đại dịch, người dân địa phương cũng kéo tới sân bay rất đông để đi ăn, mua sắm, học tập... Để thích ứng với tình hình đại dịch, lãnh đạo sân bay mở ra các dịch vụ như "cắm trại" (glamping), chuyển đổi khu phòng chờ thành không gian làm việc chung (co-working). Họ mời các bậc phụ huynh đưa con tới để ngủ nghỉ và tham gia các tour giáo dục.
Các chuyên gia phân tích cho biết, những nỗ lực này không cải thiện được doanh thu mà chỉ giúp sân bay hoạt động cầm chừng tới khi du lịch trở lại. Brendan Sobie, một chuyên gia phân tích hàng không, đánh giá: "Sân bay Changi đang ở chế độ ngủ đông chờ lúc hồi phục, và năm 2021 có thể còn tệ hơn 2020".
Là một sân bay phát triển dựa nhiều vào thị trường quốc tế, Changi sẽ gặp khó nhiều hơn so với các phi trường khác. Việc tạm dừng các hoạt động khiến lãnh đạo sân bay phải nghĩ lại về vai trò của nó sau đại dịch. Changi vốn là một điểm đến nhưng Covid-19 là lý do để họ thử nghiệm xem liệu sân bay nổi tiếng này có thể giữ chân khách lâu hơn hay không.
Jayson Goh, giám đốc quản lý sân bay Changi cho hay, các lãnh đạo bắt đầu nghĩ người Singapore đang thèm khát đi du lịch, nên thử nghiệm biến khu mua sắm Jewel thành một thương hiệu hoàn toàn mới. Họ thực hiện ý tưởng "cắm trại dưới mây" với 10 lều ngủ dựng trong khu mua sắm vắng vẻ, hướng ra thác nước trong nhà. Còn Changi Louge ban đầu thu hút các hành khách bay đến để đi nghỉ dưỡng thì nay được chuyển đổi thành khu làm việc yên tĩnh.
Nhưng nhiều người hoài nghi về mức giá 240 USD cho một đêm nằm nền bê tông và không có phòng vệ sinh riêng. Jason Chua, một luật sư đi qua những lều ngủ, cảm thán: "Thật nực cười. Tôi cảm giác như khách là động vật chui vào chuồng và có người tới xem họ ngủ vậy".
Tuy nhiên, theo Goh chương trình này vẫn kín khách đăng ký. Các hoạt động này là cách hay để xem Changi có thể là điểm đến cho các khách nước ngoài muốn tới phía đông Singapore hay không. Do sân bay nằm khá gần làng Changi, nơi có nhiều resort, khách sạn rất hút khách tới vào dịp cuối tuần.
Nitin Pangarka, giám đốc chương trình MBA của Đại học quốc gia Singapore, cho biết: "Dù rất nỗ lực nhưng các biện pháp này không thể thay thế được du khách quốc tế. Tôi nghĩ cách này không tạo khác biệt lớn về doanh thu và cũng không có tác động về lâu dài".
Những khu vực chủ yếu phục vụ khách quá cảnh trong vài giờ cũng khó chuyển đổi sau Covid-19. Theo ông Goh, khu vườn bướm và rạp chiếu phim cũng đóng cửa vì mọi người không muốn "tụ tập đông đúc". Bây giờ, những nhân viên sân bay mang gương mặt buồn chán lướt điện thoại và ngồi chờ những hành khách không biết bao giờ mới đến.
Paris: Sống không phải là ăn đồ giao tận nhà
Bình thường nhà hàng Aux Lyonnais là nơi phục vụ những bữa ăn giao lưu kinh doanh "rất Paris". Nằm khá gần văn phòng Giao dịch Chứng khoán Paris, tòa báo Le Figaro và hãng Thông tấn xã Pháp AFP, nhà hàng này nằm trong một tòa nhà xây từ thập niên 1890, lúc nào cũng chật kín giới kinh doanh, báo chí và quan chức chính phủ mong chờ một bữa ăn kiểu Lyon.
Giờ đây, bên ngoài Aux Lyonnais vẫn vậy nhưng bên trong im ắng. Bàn ăn trống trơn, không có khách, không có bát đĩa hay các ly rượu bày bên trên, thậm chí vài chiếc ghế còn bị nhét vào kho. Gương khổ lớn, gạch men hoa hồng đều được cọ rửa sạch sẽ để chờ ngày Paris mở cửa lại nhà hàng.
Chủ nhà hàng là ông Alain Ducasse (64 tuổi), trông có vẻ lạc lõng. Nhiều năm qua, nhà hàng giành được sao Michelin, thu hút rất đông khách là những người giàu có, quyền lực ở Pháp và khắp nơi trên thế giới đến dùng bữa. 40 - 60% khách tới các nhà hàng cơ sở ở Paris (Le Meurice, Ducasse sur Seine, Rech, Benoit...) của ông Ducasse là khách du lịch.
Đại dịch như dấu chấm hết cho các nhà hàng, cũng như nền ẩm thực Pháp khi các quán ăn, tiệm cà phê trên toàn đất nước đều phải đóng cửa, chưa rõ ngày mở lại.
Giống các đầu bếp khác, ông Ducasse chuyển sang bán đồ ăn mang đi, giao tận nơi. Ông biến Aux Lyonnais (tạm thời) thành Naturaliste và chuyển khu bếp chuyên nấu đồ ăn truyền thống thành khu vực nấu món ăn "lành mạnh", không dùng thịt, muối, đường hay các sản phẩm sữa, thay vào đó là cá, sữa đậu nành, trái cây và rau. Món khai vị có giá 7 - 11 USD, món chính 14 - 16 USD, món tráng miệng có giá 8 USD. Hàng chục hộp đựng đồ ăn đã được xếp chồng lên quanh tường nhà hàng để giao đi 100 - 150 suất mỗi ngày.
Marvic Medina Matos, (25 tuổi) đầu bếp người Peru làm ở Naturaliste, đã tạo ra thực đơn gồm món ceviche bí ngô, hành tím và sốt hummus, củ cải với lươn hun khói, bắp cải và hạt thông, táo nướng gừng, hạt dẻ và caramel cà phê, mousse au chocolate với sữa đậu. Một thực đơn hoàn toàn khác và có thể chuẩn bị trước.
9h sáng, Medina Matos đã ở bếp cùng với 6 nhân viên khác. 11 đối tác cung cấp nguyên liệu (gồm các loại cá, ngũ cốc, trái cây, rau, trứng) cho Naturaliste cũng giao đồ tới sớm mỗi ngày. Mọi người mặc đồng phục, đeo tạp dề và chia đội. Nhóm bếp làm bánh bắt đầu món ceviche. Nhóm đầu bếp trẻ hơn làm món chính, nấu nước dùng với hành, cà rốt, cắt nhỏ củ cải và thêm đậu lăng. Người học việc thì chuẩn bị món tráng miệng, làm bánh trộn với mứt cam, chanh và kiwi.
Quá trình nấu khá nhanh gọn. Khi đơn đặt hàng in ra là Medina Matos thông báo thật to, cả đội bếp hô "rõ". Các món ăn sẵn sàng trong vòng 3- 4 phút. Mọi người sắp xếp đồ ăn vào hộp, dụng cụ dao thìa dĩa đặt trong túi đi kèm với phong bì in chữ "Naturaliste" bên ngoài. Quản lý đóng gói các hộp đồ ăn rồi đem ra đơn vị giao hàng.
Hiện tại, bán đồ ăn mang đi vẫn giúp cho nhân viên của ông Ducasse có công việc và lương. Nhưng thú vui ăn uống ở Paris ngoài đồ ngon còn phải có trải nghiệm chung (le partage), mọi người cần trải nghiệm trong một không gian nhà hàng đúng nghĩa.
Ông Ducasse chia sẻ, khi có 6 người ngồi chung bàn, đó mới đúng nghĩa là một bữa ăn ở Pháp. Bật chai champagne, rồi trò chuyện về các món định ăn, sau đó mới gọi món. Khi thức ăn lên, thực khách lại nói chuyện về các món đã có. Sau đó tán gẫu về những đồ mình đã ăn. Cuối cùng mọi người bàn tới câu chuyện sẽ ăn gì vào tuần sau. Con người luôn muốn giao lưu bên những chai rượu ngon, ngắm nhìn những người lạ ăn vận đẹp chứ không chỉ ngồi bên bàn bếp và nhìn bạn đời. Vì thế mà ăn một suất cơm giao về tận nhà không phải là cuộc sống đúng nghĩa.
Khánh Trần (Theo New York Times, vnexpress)