Bên trong Đại bảo tàng là cả một thế giới Ai Cập cổ đại, khắc họa rõ nét về một thời đại rực rỡ và cũng đầy bí ẩn.
Trong gần một thế kỷ, pharaoh Tutankhamun (vua Tut) là hình mẫu hoàn hảo cho Ai Cập cổ đại. Chiếc mặt nạ xác ướp của vị vua nổi tiếng này được chế tác từ 10,8 kg vàng, với đường kẻ mắt làm từ ngọc lưu ly, đôi mắt làm từ thạch anh và hắc diện thạch. Sau hơn 3.300 năm, kiệt tác này vẫn khiến nhân loại say mê khi được tìm thấy. Nó cũng là thứ đồ tạc tác dễ nhận biết nhất đến từ thời cổ đại.
Từng được chôn cất trong Thung lũng các vị vua ở Ai Cập, chiếc mặt nạ đã nổi tiếng khắp thế giới, lôi cuốn khán giả bởi ánh hào quang và bí ẩn vương giả được che giấu hàng thiên niên kỷ.
"Bạn biết đấy, nếu bạn hỏi một đứa trẻ 8 tuổi về Ai Cập, chắc chắn nó sẽ nói với bạn về Vua Tut. Tôi đã gọi Skype vào tuần trước cho một trường học ở Mỹ. Tất cả bọn trẻ đều hỏi tôi về một điều, đó là Tutankhamun", Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Cổ vật kiêm nhà khảo cổ học Ai Cập, cho biết.
Theo các chuyên gia sử học, chân dung của vua Tut luôn được lý tưởng hóa, hoàn hảo và đẹp đến ngoạn mục như chiếc mặt nạ xác ướp nổi tiếng của ông. Thế nhưng, sự thật thường khác với truyền thuyết. Những hình ảnh đầu tiên về xác ướp của vua Tut được công bố vào năm 1925 cho thấy, vị pharaoh nổi tiếng này cao 1m65. Các nhà khoa học tin rằng ông có bàn chân bị khoèo và có hàm răng hô.
Tayeb Abbas, trưởng bộ phận khảo cổ tại Đại bảo tàng Ai Cập, cho biết: "Khi bạn nghiên cứu sâu vào các bộ sưu tập, lịch sử của nhà vua, bạn sẽ phát hiện ra ông ấy là một vị vua thực sự quan trọng. Điều quan trọng nữa là cuộc sống và cái chết của ông ấy vẫn là ẩn số. Đó là lý do mọi người trên khắp thế giới bị mê hoặc bởi vua Tut".
Ai Cập cổ đại chế tác các tượng đài vĩ đại cho người quá cố qua các kỳ quan bằng đá granit, đá vôi như kim tự tháp ở Giza. Trong khi đó, người Ai Cập hiện đại đã và đang xây dựng một ngôi nhà mới cho Tutankhamun và tổ tiên của vị vua này với tên gọi Grand Egyptian Museum. Việc xây dựng Đại bảo tàng kéo dài trong nhiều năm, việc mở cửa đón công chúng bị trì hoãn nhiều lần.
Diện tích bảo tàng gần nửa triệu m2, tương đương với kích thước của một nhà ga của sân bay lớn. Chi phí khổng lồ xây dựng nó được lấy từ nguồn vốn vay Nhật Bản. Bảo tàng được ví như một canh bạc, khi chính phủ đặt khoản cược lên đến một tỷ USD vào Tutankhamun.
Kho báu gồm các di sản của vua Tut sẽ trở thành ngôi sao, thu hút du khách khi họ được phép đến đây tham quan vào năm sau. Kho báu này được sưu tầm từ những năm 1960. Một trong số đó là Thần hộ mệnh, có khuôn mặt và cơ thể được sơn màu đen, tượng trưng cho phù sa màu mỡ của sông Nile. Một bức tượng dát vàng khác tạc hình ảnh vua Tut mang theo một cây lao, đầu đội vương miện - vị pharaoh trẻ xuất hiện với vẻ dịu dàng.
Đầu năm, bảo tàng dự kiến mở cửa một phần để đón khách vào tháng 5. Mọi thứ dường như khá đẹp và đã sẵn sàng. Nhưng phía sau đó, công trường xây dựng vẫn còn ngổn ngang và Covid-19 dường như làm chậm tiến độ. Du khách khi vào bảo tàng đều phải kiểm tra thân nhiệt. Các công nhân đang phun chất khử trùng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Kỹ sư quân đội, thiếu tướng Atel Moftah là người giám sát tiến độ ở bảo tàng, cho biết: "Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ, bất chấp đại dịch. Chúng tôi cũng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khử trùng mọi thứ". Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm, bảo tàng sẽ mất thêm 4-6 tháng để trưng bày các cổ vật trước khi đón khách. Moftah kỳ vọng, khi đó Covid-19 cũng kịp thời biến mất khỏi thế giới.
Về cơ bản, quy mô dự án này thực sự khổng lồ. Bức tượng Ramses Đại đế là bức tượng lớn nhất trong các hiện vật của bảo tàng, được đưa đến đây vào năm 2018. Nó cao hơn 20 m, được tạo từ 83 tấn đá granit đỏ. Nói một cách đơn giản, đó là một tác phẩm lộng lẫy, ngay cả khi phần mũi bị sứt mẻ và chân bức tượng đã phủ một lớp bụi mỏng. Ngoài Ramses Đại đế, bảo tàng có 87 bức tượng pharaoh và các vị thần Ai Cập được đặt trên các bậc thang. Khi du khách đi lên, họ sẽ được chiêm ngưỡng một phần của 5.000 năm lịch sử Ai Cập cổ đại.
Có một mô típ quen thuộc lặp đi lặp lại quanh bảo tàng, mà du khách tinh ý có thể nhận ra ngay. Đó là kim tự tháp ở khắp mọi nơi, với những thiết kế hình tam giác khổng lồ thẳng đứng, và đôi khi úp ngược. Và khi bạn nhìn qua các ô cửa sổ, bạn sẽ thấy tận mắt những kim tự tháp thật sự. Trên thực tế, bảo tàng được xây dựng chỉ cách kim tự tháp Giza 1,6 km.
Song song với việc xây dựng, một chương trình đặc biệt cũng đang được ban quản lý tiến hành chuẩn bị. Mục đích của nó là để trung bày tất cả các di sản của Ai Cập cổ đại cùng nhau, lần đầu tiên.
Trung tâm Bảo tồn trong bảo tàng là trung tâm lớn nhất của loại hình này ở Trung Đông. Đó là một hành lang dường như vô tận, dẫn du khách đến 10 phòng thí nghiệm khác nhau. Tất cả đều là nơi làm việc cho các nghệ nhân, ngày đêm làm công việc bảo tồn các di sản khai quật được. Không khí ở nơi đây lúc nào cũng tĩnh lặng vì các chuyên gia cần tập trung cao độ để làm việc. Trong các phòng thí nghiệm này, người ta có thể tìm thấy nữ thần sư tử Menhit với chiếc mũi và nước mắt bằng thủy tinh xanh; Ammut với hàm răng và chiếc lưỡi màu đỏ ngà; nữ thần bò Mehet-Weret...
Chỉ riêng của vua Tut, các nhà quản lý bảo tàng đếm được có hơn 5.000 hiện vật cần bảo tồn. Và những thứ này, theo miêu tả của Howard Carter, người có công trong việc tìm ra lăng mộ của vua Tut, là "bức tranh toàn cảnh toàn đẹp về cái chết của vị vua trẻ". Nhiều di sản vẫn đang được bảo quản để có thể ra mắt công chúng lần đầu tiên khi bảo tàng mới mở cửa.
Anh Minh (Theo CNN, vnExpress)