Qatar 'phát điên' vì bị hỏi về quy định uống rượu
Được tạo lúc 18/11/2022 08:21 Chia sẽ
Giới chức Qatar bực tức vì nhận quá nhiều câu hỏi của du khách về việc có được phép uống rượu hay không và khẳng định điều này không bị cấm.
Là một quốc gia nổi tiếng với những quy định nghiêm ngặt, Qatar đã nhận được không ít các câu hỏi về các điều có thể - không thể làm khi đến đây, đặc biệt vào dịp World Cup 2022 sắp khai mạc. Một trong số đó liên quan đến rượu bia, vì các cổ động viên bóng đá thường thích tiệc tùng sau mỗi trận đấu.
Việc nhận quá nhiều câu hỏi về việc có được phép uống rượu ở Qatar đã khiến giới chức nước này tức giận. Hassan Al Thawadi, một quan chức cấp cao, nói trên Wall Street Journal: "Điều này khiến tôi phát điên. Bất kỳ ai muốn đến đây đều có thể uống".
Trên thực tế, việc uống rượu hay chất có cồn không bị cấm, nhưng chỉ ở các khu vực được cấp phép như nhà hàng, quán bar khách sạn... Tại World Cup 2022, du khách có thể tiệc tùng thêm ở những nơi được chỉ định bên ngoài các sân vận động, thay vì uống trên khán đài. Vào buổi tối, họ có thể uống tại một số khu dành cho người hâm mộ ở trung tâm.
Theo Wall Street Journal, người dân Qatar hầu như không có văn hóa uống rượu hay nhậu nhẹt, say xỉn. Cả nước chỉ có hai cửa hàng rượu, đều thuộc sở hữu của chính phủ. Quán bar chỉ giới hạn trong các khách sạn quốc tế (thuộc chuỗi có quy mô toàn cầu). Và Qatar cũng ít ghi nhận các sự cố phát sinh vì cổ động viên say xỉn - điều vẫn thường thấy tại châu Âu.
World Cup 2022 mang đến hơn 1,5 triệu du khách cho Qatar. Vấn đề phòng khách sạn là điều khiến nước này đau đầu, dù họ đã thuê thêm các du thuyền lớn, dựng lều trên sa mạc để cung cấp phòng cho khách. Nhiều CĐV có vé xem bóng đá không thuê được phòng phải chấp nhận qua đêm ở những thành phố lân cận như Dubai, Riyadh, Muscat... Hàng ngày, họ sẽ bắt các chuyến bay đến Qatar xem bóng đá, rồi lại bay về. Những người này không có visa hay thẻ Hayya (dành cho CĐV xem đá bóng), nhưng được phép ở lại Qatar trong vòng 24 tiếng. Việc được phép ở lại 24 giờ này là động thái hỗ trợ các CĐV thích uống bia rượu của Qatar, đề phòng họ vì say xỉn mà lỡ mất chuyến bay về nhưng cũng không bị vi phạm quy định về visa, thời gian lưu trú.
Ngoài vấn đề phòng khách sạn, mọi thứ phục vụ CĐV đều được Qatar kiểm soát, từ cơ sở hạ tầng, tàu điện ngầm, xe buýt... đến việc xây mới lại các sân vận động. Và cũng để nhằm phục vụ các CĐV tốt hơn, Qatar đã đóng cửa biên giới với các du khách không có vé xem bóng đá thời điểm này. Những người có vé cũng chỉ được phép đi cùng tối đa ba người là người thân, bạn bè. Từ 2/12, khách mới có thể nhập cảnh bình thường.
Qatar cũng chọn thời điểm cuối năm để tổ chức, nhằm giúp các cầu thủ và khách tránh nhiệt độ cao mùa hè. Để giảm bớt áp lực giao thông, chính phủ cũng yêu cầu các văn phòng chỉ mở cửa làm việc 4 tiếng một ngày dịp World Cup, yêu cầu 80% nhân viên làm việc tại nhà. Học sinh cũng được học sớm một tháng để có thể nghỉ đúng giải đấu.
Bên trong các sân vận động có hàng nghìn camera giám sát, có thể phóng to khuôn mặt của bất kỳ ai. "Không có góc nào của sân vận động mà không bị giám sát. Mọi ngóc ngách, mọi hành lang, các phòng, bãi đậu xe, tầng hầm đều có camera", Niyas Abdulrahman, Giám đốc công nghệ của trung tâm chỉ huy và kiểm soát Qatar phục vụ World Cup, cho biết. Trung tâm này cũng sẽ gửi thông báo vào điện thoại cho khách vè tình trạng tắc nghẽn ở một số nơi, hay những nguy cơ tiềm ẩn tại các sân vận động.
Cảnh sát cũng được điều động để bảo vệ an toàn. Đồng thời, Qatar cũng nhờ sự hỗ trợ của lực lượng an ninh đến từ 13 quốc gia khác, trong đó có cả Sở Cảnh sát thành phố New York, Mỹ.
Anh Minh (Theo WSJ, vnexpress)